Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

ĐIÊN







Vân, bạn tôi mở một quán cắt tóc bên đường. Hồi xưa mỗi lần đi học về quê tôi vẫn thường ghé chơi. Nó vẫn bảo đi học như tôi, sướng. Tôi lại thấy ở nhà như nó, sướng hơn. Đi học có gì sung sướng (cũng là để kiếm sống thôi) nhiều khi cũng chỉ vì lỡ được đi học mà chẳng dám chửi thẳng (toàn phải chửi xéo).
Nó tên Thúy Vân, nhiều khi tôi nghĩ chắc ba mẹ nó không biết Kiều. Vì nó xấu. Rất xấu. Nhiều người hay tủm tỉm cười khi nghe tên nó. Nó thắc mắc, tôi bảo, kêu tên Vân thôi, tên quán cũng đặt tên Vân, không cần Thúy Vân chi cho…dài dòng.
Ừ, nghe lời tôi, nó đổi tên quán.
Thúy Vân rất thích đọc truyện, nó thích tiểu thuyết tình cảm. Có lần nó ngồi vừa trông quán vừa đọc sách ông nho già say sỉn ngang qua mỉa mai: loại mày mà đọc sách, xúc phạm tác giả, nghĩ răng mà đặt tên là Thúy Vân trời. Nó chẳng lấy làm giận, tất cả mọi người và từ nhỏ tới lớn nó đều được đối xử như vậy. (mà nếu để bụng thì chỗ nào chứa nổi).
Hồi nhỏ chúng tôi có năm học chung lớp, nó to con lớn xác, biết đi xe đạp, nó vẫn thường chở tôi đi học và nếu đứa nào ăn hiếp tôi nó sẽ đánh cho bầm dập. Nhớ có lần đang ngơ ngơ dạo chơi ngoài đồng thì thằng Mập dẫn trái banh đi tới, nó kêu tên tôi bằng tên ba tôi (lũ trẻ vẫn thường trêu nhau thế), tôi bực mình sút thẳng trái banh của nó xuống đám ruộng sình lầy rồi co cẳng chạy tuốt. Nó thù chặn đường đánh, may mà có con Thúy Vân, nó xuất hiện kịp thời, túm đầu thằng Mập tấp túi bụi. Hiện trường sau đó là một vạt lúa non bị quần nát vì 2 đứa nó ôm nhau lăn lộn. Tôi sợ quá khóc om sòm chạy về kêu ba, ủa mà sao 2 đứa nó đánh nhau mà mày khóc?
Thúy Vân học dốt kinh khủng, nó học mỗi lớp 2 năm, cho tới khi nó học tới lớp 4 thì nghỉ hẳn. Thầy cô kêu thấy mặt nó miết ngán quá, nó học mãi cái mặt nó cũ như cái trường cũng chưa tốt nghiệp được. Bữa nghe tin nó nghỉ học tôi buồn thối ruột. Nghĩ rằng từ nay chẳng còn vệ sĩ nữa thì phải tự đi xe đạp đi học với cũng hết dám bố láo. Nghĩ tới thằng Mập mà rùng mình, trời ơi, nó mà túm được, chắc nó nhấn luôn xuống bùn quá. Híc.
Lớn lên chúng tôi mỗi đứa mỗi đường nên tôi cũng không còn thân với nó nữa. Nó lớn lên với đồng ruộng còn tôi chỉ lớn lên bên cạnh đồng ruộng. Ba má tôi cũng chẳng thích tôi chơi với nó. Hình như nó biết nên mỗi lần nó qua nhà tìm chỉ đứng thập thò ngoài ngõ. Ba tôi nhăn nhó, con chơi chi với con nớ, hay ho gì, cả xóm gọi nó là con điên mà. (Đó là một trong rất nhiều lần tôi rất muốn…cãi lại). Tôi thấy Vân rất dễ thương mà, tuy nó hơi…ngu, người ta thuê mướn gì nó cũng làm, làm nhiệt tình, làm hết mình, làm muốn chết luôn vậy đó, mà trả bao tiền nó cũng chịu, có khi còn bị quỵt luôn nó cũng cười hiền ngu (nhầm, hiền khô).
Lớn hơn chút nó đi học nghề hớt tóc rồi mở cái quán tên Thúy Vân ở đầu xóm, có lần đang đi học nó nhắn tin báo tin vui. Tôi hí hửng về xem cơ ngơi của nó. Cũng không khó hình dung, nó cũng giống như mấy tiệm gội đầu cắt tóc bình dân ngoài phố. Cơ mà có chi tiết lạ là cái gương lớn nó treo lên tường bị vướng cái ổ điện, thế là nó sẵn sàng đập bể một góc. Răng Vân không dời cái ổ điện đi chỗ khác, đập bể cái gương uổng rứa? Nó gãi gãi đầu, ờ he.
.
.
Lần thứ 2 nó nhắn tin vui là, nó sắp lấy chồng. Tôi nghĩ thầm, vậy là bạn mình đã an cư lạc nghiệp, lại hí hửng về ăn cưới. Đám cưới cũng diễn ra như bao đám cưới quê khác. Nhạc sập sình, nhí nhố bọn trẻ trâu hát cái gì yêu cũng chết không yêu cũng chết.
Lâu sau đó có lần tôi ghé quán, nó bảo quán hư điện 2 ngày rồi Hạ ơi. Hư đâu, nó bị cháy cầu chì thôi mà, răng mi không kêu chồng mi sửa? Đó không phải là thế mạnh của ảnh (trời ơi, câu này nghe quen dễ sợ, hình như nó hay coi “ai là triệu phú”).Thế là phải ra tay thôi, kêu nó cắt cầu dao đi, ta sửa.
Mi sửa? Ừ. Đừng lo, anh ta bày, ta cũng biết sơ sơ.
Mà chồng mi thế mạnh là cái chi? Ta cũng không biết nữa.Rứa răng mi cưới nó? Yêu thì cưới thôi.
.
.
.


Sửa xong điện thì có khách ngay, mát tay thế chứ. Đó là một bà già xóm trên, ngó bộ bả nghèo, (mà hình như khách của nó đâu có ai giàu). Bà cụ đưa cho nó 2 ngàn kêu, bà có chừng ni thôi. Nó cười gật đầu.
Trong đời tôi chưa từng thấy ai làm dịch vụ tốt như Thúy Vân, mấy bà viễn thông với ngân hàng chỉ đáng xách dép cho nó. Đó là nói về chuyên môn. Còn về chuyện khác, nhìn cách nó chăm chút từng sợi tóc, tỉ mỉ ngoáy tai, rồi còn khuyến mãi thêm cái bánh ngọt. Tôi đã nghĩ tới mình.
.
Lại thấy mình trong những lúc có vài giây do dự, (có cứu người này không? Có lấy tiền này không? Có yêu người này không?)
(Dù chỉ có vài giây thôi, tôi nghĩ cũng đủ ác, cũng dư xấu xa rồi.).




2 nhận xét:

  1. Một câu chuyện vùng nông thôn
    Một phận người được an bài ....Chủ tiệm Tóc mạnh mẽ, không có toan tính,thì cần gì biết "thế mạnh" của anh Chồng...Thành một đôi lơ ngơ !!!

    Trả lờiXóa
  2. không điên mà là thật thà đến đần độn

    Trả lờiXóa